Những sai lầm cần tránh khi lái xe số tự động
Lái ô tô số tự động được coi là dễ dàng và nhàn hạ với mọi tài xế, từ đó hình thành một số thói quen mà các chuyên gia cho rằng không tốt cho xe và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
1. Chuyển số N khi thả dốc hoặc sắp dừng đèn đỏ
Thói quen này được ghi nhận ở nhiều tài xế với suy nghĩ để tiết kiệm xăng/dầu vì khi ở chế độ N (còn gọi là chế độ mo), động cơ hoạt động với vòng tua thấp nhất. Tuy nhiên, cần số ở chế độ N chỉ dành cho xe đỗ một chỗ, lúc này dầu hộp số không được bơm để bôi trơn. Nếu xe đang chuyển động mà chuyển số về N, các chi tiết bên trong hộp số sẽ vẫn hoạt động mà không có dầu bôi trơn, về lâu dài sẽ dẫn đến hao mòn và hư hỏng.
Chế độ N là số trung gian, dùng khi xe chạy không tải.
Trong các hư hỏng của ô tô, hộp số thường là chi tiết đắt tiền thứ hai sau động cơ. Vì vậy, các tài xế có thói quen trên nên thay đổi bởi chi phí sửa chữa hộp số không tương xứng với mức tiết kiệm nhiên liệu không đáng kể.
2. Mồi ga trước khi cho xe chuyển động
Rất nhiều người có thói quen trước khi chuyển số sang D (chế độ tự động chuyển số để đi) đều mồi ga với vòng tua tăng bất ngờ, thậm chí là rú ga với quan niệm cho nóng máy hoặc để thổi bớt lớp muội than đóng ở ống xả phía sau. Tuy nhiên đây là sai lầm tai hại có thể dẫn đến hỏng hộp số.
Việc đạp ga tại chỗ tạo ra một cú "sốc" lớn cho hộp số, dẫn đến ma sát nhiều hơn giữa các bộ phận bên trong, tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng các bộ phận của hộp số như dây đai, bánh răng,... Và khi phải hạ hộp số để sửa chữa, chi phí sẽ không hề rẻ.
3. Chuyển sang chế độ đỗ xe trước khi dừng hoàn toàn
Một số tài xế thường tỏ ra gấp gáp chuyển sang số P (chế độ đỗ) khi xe chuẩn bị dừng lại hoặc vừa lăn bánh vào vị trí đỗ. Đây là sai lầm tai hại bởi nó sẽ là con đường nhanh nhất để đưa xe vào nằm xưởng sửa chữa.
Việc chuyển sang chế độ đỗ sẽ khiến chốt khóa bên trong hộp số va vào bánh răng hành tinh vẫn đang chuyển động, khiến tăng nguy cơ gãy chốt khóa. Theo các chuyên gia, thao tác đúng khi đỗ xe là đạp phanh chân cho xe dừng hẳn -> về N -> kéo phanh tay -> về P -> tắt máy.
4. Lên xe là đi, không cần làm nóng động cơ
Nổ máy, cài số và đi dường như là thao tác thường thấy của nhiều tài xế, nhất là ở các thành phố có cuộc sống gấp gáp. Đó là một sai lầm, đặc biệt là vào mùa đông. Khi qua một đêm đỗ xe hoặc dừng lâu, dầu động cơ lắng lại và có thể di chuyển chậm khi thời tiết lạnh. Khi nổ máy và để chế độ chạy không tải khoảng 1 phút, dầu sẽ nóng dần lên và bơm dầu hoạt động giúp bôi trơn toàn bộ chi tiết bên trong động cơ.
Nếu đi luôn mà không chờ đợi, về lâu dài sẽ khiến một số chi tiết của động cơ bị mài mòn, nhanh phải sửa chữa. Đối với các dòng xe số tự động đời cũ, người lái sau khi nổ máy nên chờ vòng tua động cơ trở về mức thấp nhất (700-800 vòng/phút), thời gian này có thể kéo dài hơn 1 phút, rồi mới chuyển số và di chuyển.
5. Bỏ quên chế độ chuyển số tay
Trên hầu hết các xe số tự động hiện nay đều có tính năng chuyển số tay, số thể thao trên cần số hoặc lẫy chuyển số sau vô-lăng. Những tính năng này không chỉ là tăng trải nghiệm cho tài xế mà còn được vận dụng khi lái xe đổ dốc, đèo bởi khi cài số thấp, vòng tua động cơ tăng cao sẽ hình thành lực hãm từ động cơ góp phần giảm tải cho hệ thống phanh.
Tuy nhiên, một số tài xế lại có thói quen chỉ lái xe ở một chế độ là D, bỏ qua thao tác chuyển số tay khi đi đèo dốc. Nếu xe không có chế độ đổ đèo, dốc thì thói quen này hết sức tai hại vì khiến tài xế thường xuyên dùng phanh nhiều hơn bình thường. Quá trình rà phanh sẽ làm phanh nóng và rất dễ dẫn đến việc cháy má phanh, mất kiểm soát.
6. Dùng cả hai chân
Thói quen điều khiển ô tô bằng cả hai chân dù không nhiều nhưng vẫn có tài xế mắc phải. Nguyên nhân được hình thành từ việc đã lái xe số sàn nhiều trước khi chuyển sang số tự động.
Nếu như dùng cả chân trái và phải là cách làm bắt buộc khi điều khiển xe số sàn, để đảm bảo thao tác cắt côn, đạp ga và phanh trong quá trình xe di chuyển thì với xe số tự động, thao tác dùng chân chỉ còn là phanh và ga.
Theo quy tắc an toàn, chân ga và phanh thường chỉ được điều khiển bằng một bàn chân do thiết kế hai bàn đạp này ở gần nhau. Trường hợp tài xế cố tình dùng cả chân trái và phải để tham gia điều khiển chân phanh, ga, sẽ dễ dẫn đến không gian thao tác chật hẹp, nhất là chân trái ở vị trí tréo ngoe, không thoải mái, trong trường hợp cần phanh gấp thì lực đạp sẽ không đủ hoặc mất kiểm soát.
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/6-sai-lam-can-tranh-khi-tai-xe-lai-xe-o-to-so-tu-dong-2219332.html)
tin liên quan
Chi tiết Lotus Emeya mới ra mắt tại hàng xóm của Việt Nam, sedan điện nhanh hơn siêu xe
Hãng Hennessey hô biến ra siêu bán tải VelociRaptoR 6×6 dựa trên F-150 Raptor R
10 mẫu xe bán chạy từ đầu 2023 tại Việt Nam
Suzuki Swift thế hệ mới chính thức ra mắt: Lột xác thiết kế, bổ sung nhiều trang bị
Giá xe Kia Rondo tháng 11/2023 kèm đánh giá chi tiết
Ô tô lâu ngày không sử dụng, chủ xe có cần bảo dưỡng định kỳ?
Chiêm ngưỡng dàn xe taxi điện Xanh SM sắp lăn bánh tại Lào
Ô tô cũ tỉnh lẻ đăng ký Hà Nội không còn mất 20 triệu tiền biển số
Đại lý ô tô đua giảm giá, bỏ bán 'bia kèm lạc' nhiều mẫu hot dịp cuối năm
xe mới về
-
Kia Sedona 2.2L DATH 2017
669 Triệu
-
Lexus GX 460 2010
1 Tỷ 299 Triệu
-
Kia Sportage 2.0 MT 2011
322 Triệu
-
Toyota Fortuner 2.4G 4x2 AT 2018
835 Triệu
-
Mitsubishi Xpander 1.5 AT 2022
545 Triệu